[ {{formatDate('2024-11-01T07:11:03.750Z')}}]
Phân luồng tờ khai hải quan là gì?
Phân luồng tờ khai hải quan là quá trình kiểm soát và xử lý hàng hóa qua các cửa khẩu, cảng biển, hay cảng hàng không dựa trên các quy định của hải quan. Quy trình này nhằm đảm bảo hàng hóa được kiểm tra đúng quy định và thuế quan được tính chính xác. Hiện tại, tờ khai hải quan được phân thành ba luồng chính:
Luồng xanh (luồng 1): Được thông quan mà không cần kiểm tra hồ sơ hay hàng hóa.
Luồng vàng (luồng 2): Kiểm tra chi tiết hồ sơ nhưng không kiểm tra hàng hóa.
Luồng đỏ (luồng 3): Kiểm tra cả hồ sơ và hàng hóa theo nhiều mức độ khác nhau.
Lưu ý: Luật và quy định về phân luồng tờ khai hải quan có thể thay đổi tùy thuộc vào chính sách của từng thời điểm. Nếu doanh nghiệp không cập nhật kịp thời, có thể dẫn đến việc không tuân thủ các yêu cầu mới, gây ra sự chậm trễ và chi phí không cần thiết.
Tờ khai luồng xanh (Green Lane):
- Ký hiệu: Mã ký hiệu 1
- Mức độ kiểm tra: miễn kiểm tra chi tiết hồ sơ và miễn kiểm tra chi tiết hàng hóa.
Luồng xanh thường rơi vào các doanh nghiệp chấp hành tốt các quy định của pháp luật về Hải quan, hàng hóa xuất/nhập khẩu thuộc luồng xanh được chấp nhận thông quan từ nguồn thông tin khai hải quan điện tử. Hàng hóa được miễn kiểm tra chi tiết hồ sơ và miễn kiểm tra thực tế, đồng thời đi thẳng đến bước 4 (Thu lệ phí và đóng dấu), sau đó tiến hành phúc tập hồ sơ. Hàng hóa trong luồng xanh được xử lý nhanh chóng và thông quan một cách dễ dàng, giúp giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
Các yếu tố giúp hàng hóa được đưa vào luồng xanh bao gồm:
- Tuân thủ đầy đủ các quy định hải quan và thông quan trước khi nhập cảnh
- Hàng hóa đã được xác minh và kiểm tra tại cảng xuất khẩu hoặc các điểm trước đó
- Hàng hóa có lịch sử xuất khẩu an toàn và đáng tin cậy
Lưu ý: Nhiều người cho rằng tờ khai luồng xanh sẽ luôn được thông quan ngay mà không cần kiểm tra bất kỳ thông tin nào. Tuy nhiên, thực tế, dù đã qua luồng xanh, doanh nghiệp vẫn có thể ngẫu nhiên bị kiểm tra sau thông quan (hậu kiểm) để xác minh tính chính xác của hồ sơ và hàng hóa.
Tờ khai luồng vàng (Yellow Lane):
- Ký hiệu: Mã ký hiệu 2
- Mức độ kiểm tra: Kiểm tra chi tiết hồ sơ và miễn kiểm tra chi tiết hàng hóa.
Luồng vàng áp dụng cho những lô hàng cần phải kiểm tra về chứng từ trước khi được phép thông quan. Theo quy định, đối với lô hàng thuộc luồng vàng sẽ được miễn kiểm tra thực tế hàng hóa đối với các hàng hóa xuất nhập khẩu của chủ hàng chấp hành tốt pháp luật về Hải quan, máy móc, thiết bị thuộc diện miễn thuế của dự án đầu tư trong và ngoài nước, hàng hóa từ nước ngoài đưa vào khu Thương mại tự do, hàng hóa thuộc các trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Nếu hệ thống xử lý dữ liệu hải quan điện tử cho ra kết quả phân luồng là Luồng vàng, hàng hóa phải được kiểm tra chi tiết hồ sơ (Chứng từ giấy), nhưng miễn kiểm tra chi tiết hàng hóa. Sau khi việc kiểm tra được tiến hành tại bước 2, nếu không phát hiện thêm bất kỳ vi phạm nào, quá trình thông quan sẽ chuyển tới bước 4, tương tự như Luồng xanh.
Yếu tố quyết định lô hàng thuộc luồng vàng
Thông thường, các trường hợp sau đây có thể được đưa vào luồng vàng:
- Hàng hóa đã được kiểm tra và xác minh ở quốc gia xuất khẩu hoặc đã được hải quan xác nhận
- Hàng hóa thuộc danh sách kiểm tra ngẫu nhiên
- Hàng hóa có thông tin không phù hợp hoặc không đầy đủ trên hóa đơn hoặc tài liệu liên quan: Có nghi vấn về việc áp mã hs code
Trong luồng vàng, thời gian thông quan thường nhanh hơn so với luồng đỏ, nhưng doanh nghiệp vẫn cần chú ý đến việc cung cấp thông tin và tài liệu chính xác để tránh trễ hạn
Lưu ý: Thông thường luồng vàng chỉ yêu cầu kiểm tra hồ sơ giấy tờ mà không bao giờ có kiểm tra thực tế hàng hóa. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, hải quan vẫn có thể quyết định kiểm tra thực tế khi phát hiện nghi ngờ.
Trường hợp miễn kiểm tra chi tiết thực tế
Doanh nghiệp được miễn kiểm tra chi tiết thực tế đối với một số mặt hàng trong các trường hợp sau:
- Doanh nghiệp chấp hành tốt luật pháp về hải quan.
- Hàng xuất khẩu (ngoại trừ những hàng xuất khẩu được làm từ nguyên liệu nhập khẩu và hàng hóa xuất khẩu có điều kiện theo chính sách quản lý xuất khẩu hàng hóa).
- Các loại máy móc thiết bị có giá trị tạo tài sản cố định được miễn thuế như dự án đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước.
- Hàng hóa từ nước ngoài được đưa và khu thương mại tự do, kho ngoại quan, cảng trung chuyển, hàng quá cảnh hay trường hợp cứu trợ khẩn cấp theo quy định của pháp luật tại khoản 1 Điều 35 Luật Hải Quan, ngoài ra còn có những hàng hóa như dùng trong an ninh quốc phòng, hàng viện trợ nhân đạo, hàng hóa tạm nhập – tái xuất có thời hạn tại Điều 30,31,32 và 37 của Nghị định 154/2005/NĐ-CP.
- Hàng hóa thuộc diện đặc biệt như hàng do Thủ tướng quyết định.
Ngoài ra trong Nghị định còn nêu ra rất mơ hồ là hàng hoá không thuộc diện trên nhưng khi phân tích thông tin cho thấy không có khả năng vi phạm.
Tờ khai luồng đỏ (Red Lane)
- Ký hiệu: Mã ký hiệu 3
- Mức độ kiểm tra: Kiểm tra cả hồ sơ và kiểm tra thực tế hàng hóa tại cảng hoặc cửa khẩu.
Tờ khai luồng đỏ là mức kiểm tra nghiêm ngặt nhất. Không chỉ kiểm tra chi tiết hồ sơ, hải quan còn tiến hành kiểm tra trực tiếp hàng hóa. Quá trình này có thể ảnh hưởng đến thời gian thông quan của doanh nghiệp do phải đợi kết quả kiểm tra.
Yếu tố quyết định lô hàng thuộc luồng đỏ:
- Doanh nghiệp lần đầu khai báo tờ khai hải quan.
- Lô hàng có giá trị cao hoặc không rõ nguồn gốc.
- Mặt hàng thuộc danh mục kiểm tra đặc biệt.
- Lỗi trong quá trình khai báo thông tin không chính xác (mã HS, tên mặt hàng, hóa đơn…).
- Vi phạm về thuế như gian lận, trốn thuế hoặc bị truy thu thuế.
Phân luồng đỏ có 3 mức độ kiểm tra thực tế (Theo Thông tư 112/2005/TT-BTC):
- Mức 1: Kiểm tra toàn bộ lô hàng.
- Mức 2: Kiểm tra thực tế 10% lô hàng, nếu không phát hiện vi phạm thì kết thúc kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm thì tiếp tục kiểm tra cho tới khi kết luận được mức độ vi phạm.
- Mức 3: Kiểm tra thực tế 5% lô hàng, nếu không phát hiện vi phạm thì kết thúc kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm thì tiếp tục kiểm tra cho tới khi kết luận được mức độ vi phạm.
Mã phân loại kiểm tra:
- 3C : Kiểm tra thực tế hàng hóa tại cửa khẩu.
- 3D : Kiểm tra thực tế hàng hóa tại địa điểm kiểm tra tập trung.
- 3M : Kiểm tra thực tế hàng hóa tại kho doanh nghiệp.
Lưu ý: Mọi người thường cho rằng luồng đỏ có nghĩa hàng hóa của họ chắc chắn có vấn đề. Nhưng thật ra, đây chỉ là một bước kiểm tra kỹ lưỡng hơn, và nếu hàng hóa đúng quy định, vẫn sẽ được thông quan bình thường.
Ý nghĩa của việc phân luồng tờ khai hải quan:
Ý nghĩa phân luồng tờ khai hải quan được xem xét trên góc độ doanh nghiệp và quản lý nhà nước.
Với cơ quan quản lý nhà nước:
- Quản lý danh mục hàng hóa, hạn chế các tình trạng vi phạm pháp luật hải quan. Những lô hàng có tỷ lệ rủi ro về pháp luật hải quan sẽ thường phân luồng đỏ.
- Quản lý chặt chẽ với nhóm doanh nghiệp thường xuyên vi phạm về pháp luật hải quan hoặc những doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa xuất nhập khẩu đặc thù như: Thép, động thực vật trong diện kiểm hóa, lúa gạo xuất nhập khẩu.
- Tận thu thuế xuất nhập khẩu: Thông qua hoạt động kiểm hóa nhà nước phát hiện sai phạm sẽ phụ thu thêm thuế xuất nhập khẩu hoặc ngăn chặn kịp thời với những doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu sai trái.
- Cuối cùng, phân luồng hải quan còn có một ý nghĩa khác là giúp Hải quan thực hiện hiệu quả quá trình quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu. Từ đó dễ dàng phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật, ngăn chặn các nguồn hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng nhập khẩu trái phép vào Việt Nam.
Với doanh nghiệp thực hiện hoạt động kiểm hóa:
- Đầu tiên, phân luồng hải quan có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Với việc phân loại thành 3 luồng: luồng xanh, luồng đỏ, luồng vàng sẽ giúp điều tiết quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa được nhanh chóng, chính xác và hiệu quả.
- Thông qua việc phân luồng tờ khai doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm tốt hơn trong việc chấp hành pháp luật hạn chế được những doanh nghiệp kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng ảnh hưởng tới uy tín và nguồn hàng trong; ngoài nước.