Kiến thức logistics

❌ NHỮNG LƯU Ý KHI LÀM HÀNG NGUY HIỂM ❌

[ {{formatDate('2024-10-11T07:06:54.147Z')}}]

[KIẾN THỨC LOGISTICS]

❌ NHỮNG LƯU Ý KHI LÀM HÀNG NGUY HIỂM ❌

🌟 Chào mọi người! Anh Toàn đã trở lại đây! 🌟

📛 Hôm nay, chúng ta sẽ tiếp tục hành trình khám phá sâu hơn về chủ đề Hàng hóa Nguy hiểm, hay còn gọi là Hàng DG (Dangerous Goods). Trong bài viết tuần trước, mọi người đã được tìm hiểu về cách phân loại và hiểu rõ tính chất của từng loại hàng hóa nguy hiểm, từ đó nắm bắt được những thông tin nền tảng quan trọng.

Tuy nhiên, để vận chuyển loại hàng hóa này một cách an toàn và hiệu quả, cần phải có những hiểu biết sâu rộng hơn về các quy định và biện pháp an toàn liên quan.

Vì vậy, bài viết hôm nay sẽ mang đến những chia sẻ cụ thể về các quy định và lưu ý khi làm hàng hóa nguy hiểm, đặc biệt là trong quá trình vận chuyển, từ khâu đóng gói, ghi nhãn, đến các biện pháp an toàn đặc biệt khi xếp dỡ và lưu trữ.

📝 Nào, chần chờ gì nữa hãy cùng Anh Toàn và Cảng Gemalink tìm hiểu kỹ hơn về những thông tin quan trọng này để nắm bắt những quy định hiện hành, đồng thời áp dụng tốt nhất các biện pháp phòng ngừa trong việc xử lý, vận chuyển và bảo quản hàng hóa nguy hiểm, từ đó đảm bảo an toàn và hiệu quả tối đa nhé! 📦🤩

#Gemalink #GML #kienthuclogistics #hangnguyhiem #dangerousgoods

📝 Yêu cầu về giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm

- Thông báo bằng văn bản cho chủ phương tiện vận chuyển hàng nguy hiểm, người điều khiển phương tiện vận chuyển và người áp tải hàng nguy hiểm:
+ Danh mục hàng nguy hiểm được vận chuyển theo chuyến hàng (tên hàng nguy hiểm, số UN, loại, nhóm hàng, số hiệu nguy hiểm; khối lượng hàng nguy hiểm);
+ Những yêu cầu phải thực hiện trong quá trình vận chuyển;
+ Hướng dẫn xử lý trong trường hợp có sự cố môi trường và địa chỉ liên hệ khi xảy ra sự cố môi trường;
- Bảo quản bao bì, vật chứa hàng nguy hiểm; thu gom, vận chuyển, quản lý, xử lý bao bì, vật chứa thải bỏ theo quy định bảo vệ môi trường và quản lý chất thải, chất thải nguy hại;
- Nộp các loại phí và lệ phí cấp theo quy định của pháp luật;
- Gửi báo cáo về quá trình vận chuyển hàng nguy hiểm cho Tổng cục Môi trường và Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương nơi đăng ký kinh doanh chậm nhất sau 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày kết thúc việc vận chuyển trong trường hợp có Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm được cấp theo từng chuyến hàng;
- Gửi báo cáo về quá trình vận chuyển hàng nguy hiểm cho Tổng cục Môi trường và Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương nơi đăng ký kinh doanh trước ngày 15/6 và trước ngày 15/12 hàng năm trong trường hợp có Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm được cấp theo thời hạn.

📑 Vận chuyển hàng nguy hiểm liên quan đến nhiều bộ, ngành khác nhau. Việc cấp giấy phép vận chuyển do từng bộ, ngành cấp tùy thuộc vào loại hàng hóa nguy hiểm. Vận chuyển hàng nguy hiểm phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh của lực lượng vũ trang do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định.
- Bộ Công an cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm loại 1, loại 2, loại 3, loại 4 và loại 9.
- Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm loại 5, loại 7, loại 8.
- Bộ Y tế cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm đối với các hóa chất độc dùng trong lĩnh vực y tế và hóa chất diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất bảo vệ thực vật. Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm đối với các hóa chất độc nguy hiểm còn lại trong các loại, nhóm hàng nguy hiểm.

📦 Điều kiện về đóng gói, bao bì, vật chứa, ghi nhãn và biểu trưng, báo hiệu nguy hiểm.

Bao bì, thùng chứa và việc đóng gói hàng hóa nguy hiểm trong lãnh thổ Việt Nam phải tuân thủ theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) hoặc tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) hoặc quy định của pháp luật chuyên ngành tương ứng với loại hàng hóa. Bao bì, thùng chứa đối với hàng hóa nhập khẩu thực hiện theo khuyến cáo và yêu cầu của nhà sản xuất.

📛 Trường hợp chưa có tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc quy định của pháp luật chuyên ngành hoặc tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của quốc tế do Bộ quản lý danh mục hàng hóa nguy hiểm công bố thì phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu sau:
- Chất lượng bao bì, thùng chứa có thể chịu được va chạm và chấn động trong quá trình vận chuyển, chuyển tiếp hàng hóa giữa các phương tiện và xếp dỡ vào kho;
- Bao bì, thùng chứa phải bảo đảm không làm rò rỉ chất nguy hiểm trong quá trình vận chuyển hoặc khi vận chuyển với các tác động như rung lắc, thay đổi nhiệt độ, độ ẩm và áp suất;
- Phía bên ngoài bao bì, thùng chứa phải bảo đảm sạch và không dính một loại hóa chất nguy hiểm nào;
- Các phần của bao bì, thùng chứa có tiếp xúc với chất nguy hiểm phải bảo đảm yêu cầu không bị ảnh hưởng hay bị suy giảm chất lượng do tác động của chất nguy hiểm đóng bên trong; không làm ảnh hưởng đến thành phần, tính năng và tác dụng của hàng nguy hiểm;
- Bao bì, thùng chứa hàng nguy hiểm ở dạng lỏng phải bảo đảm không bị rò rỉ hay biến dạng vì sự tăng thể tích của các chất lỏng khi thay đổi nhiệt độ; có sức chịu đựng thích hợp với áp suất từ phía bên trong sinh ra trong quá trình vận chuyển; được thử độ rò rỉ trước khi xuất xưởng;
- Bao bì, thùng chứa bên trong thuộc dạng dễ bị vỡ hoặc đâm thủng như thủy tinh, sành sứ hoặc một số loại nhựa phải được chèn cố định với lớp bao bì, thùng chứa bên ngoài bằng các loại vật liệu chèn, đệm giảm chấn động thích hợp;
- Bao bì, thùng chứa các chất dễ bay hơi phải bảo đảm giữ chất không bị bay hơi trong quá trình vận chuyển theo yêu cầu của nhà sản xuất;
- Bao bì, thùng chứa hàng nguy hiểm ở dạng hạt hay bột phải đảm bảo không bị rơi vãi trong quá trình xếp dỡ, vận chuyển.

🏷️ Quy định về nhãn hàng, biểu trưng nguy hiểm và báo hiệu nguy hiểm
Tại Điều 7 Nghị định 34/2024/NĐ-CP quy định về nhãn hàng, biểu trưng nguy hiểm và báo hiệu nguy hiểm như sau:
- Việc ghi nhãn hàng hóa nguy hiểm được thực hiện theo quy định của Luật Hóa chất 2007 và quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.
- Phía ngoài mỗi bao bì, thùng chứa hàng hóa nguy hiểm có dán biểu trưng nguy hiểm, báo hiệu nguy hiểm ở vị trí dễ quan sát. Kích thước, ký hiệu, màu sắc biểu trưng nguy hiểm theo mẫu quy định tại Phụ lục III Nghị định 34/2024/NĐ-CP.
- Báo hiệu nguy hiểm hình chữ nhật, kích thước và màu sắc theo mẫu quy định tại Phụ lục III Nghị định 34/2024/NĐ-CP. Vị trí dán báo hiệu nguy hiểm ở bên dưới biểu trưng nguy hiểm.

🚚 Điều kiện chung đối với các phương tiện vận chuyển hàng nguy hiểm

- Không vận chuyển hàng nguy hiểm cùng với hành khách, vật nuôi, lương thực, thực phẩm hoặc vận chuyển hàng nguy hiểm có khả năng phản ứng với nhau gây cháy, nổ hoặc tạo ra các chất mới độc hại đối với môi trường và sức khỏe con người trên cùng một phương tiện hoặc toa xe.
- Có trang thiết bị che, phủ kín toàn bộ khoang chở hàng. Trang thiết bị che phủ phải phù hợp với các yêu cầu đảm bảo an toàn, hạn chế sự rò rỉ các chất độc hại và lây nhiễm ra môi trường trong trường hợp xảy ra sự cố.
- Đảm bảo đầy đủ thiết bị, vật liệu ứng phó sự cố trong quá trình vận chuyển như đã mô tả trong Kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường trong vận chuyển hàng nguy hiểm.
- Phương tiện vận tải hàng hóa nguy hiểm phải dán biểu trưng hàng hóa nguy hiểm. Nếu trên một phương tiện có nhiều loại hàng hóa nguy hiểm khác nhau thì phương tiện phải dán đủ biểu trưng của các loại hàng hóa đó. Vị trí dán biểu trưng ở hai bên và phía sau của phương tiện.

🚛 Trách nhiệm đối với người vận tải khi vận chuyển chở, hàng hóa nguy hiểm:

- Yêu cầu đối với người tham gia vận chuyển hàng hoá nguy hiểm: người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hoá nguy hiểm phải được tập huấn và được cấp Giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình tập huấn theo quy định; người thủ kho, người áp tải, người xếp, dỡ hàng hoá nguy hiểm phải được tập huấn và cấp Giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình tập huấn về loại hàng hoá nguy hiểm do mình áp tải, xếp, dỡ hoặc lưu kho bãi theo quy định.
- Thuyền viên làm việc trên phương tiện vận chuyển hàng hoá nguy hiểm phải được đào tạo và có chứng chỉ chuyên môn đặc biệt về vận tải hàng hoá nguy hiểm theo quy định; người thủ kho, người áp tải, người xếp, dỡ hàng hóa nguy hiểm trên phương tiện và tại cảng, bến thủy nội địa phải được tập huấn và cấp Giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình tập huấn về loại hàng hoá nguy hiểm do mình áp tải, xếp, dỡ hoặc lưu kho bãi theo quy định.
- Bố trí phương tiện vận chuyển phù hợp với tiêu chuẩn quy định về loại hàng hóa nguy hiểm cần vận chuyển.
- Kiểm tra hàng hóa bảo đảm an toàn vận chuyển theo quy định.
- Chấp hành đầy đủ thông báo của người gửi hàng và những quy định ghi trong Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm.
- Chỉ tiến hành vận chuyển khi có đủ giấy phép, biểu trưng và báo hiệu nguy hiểm.

🚇 Vận chuyển hàng hóa nguy hiểm qua công trình hầm, phà:

- Không được vận chuyển các loại thuốc nổ, khí ga, xăng, dầu và các chất dễ cháy, nổ khác đi qua các công trình hầm có chiều dài từ 100m trở lên.
- Không được vận chuyển đồng thời người (người tham gia giao thông hoặc hành khách) cùng phương tiện (đã được cấp phép vận chuyển hàng nguy hiểm) đang thực hiện vận chuyển các loại thuốc nổ, khí ga, xăng, dầu và các chất dễ cháy, nổ khác trên cùng một chuyến phà.

other

{{item.title}}

[ {{formatDate(item.date)}}]